Đặc điểm Văn học Nhật Bản

Vai trò của văn học trong nền văn hóa Nhật Bản

Vai trò của văn học và các nghệ thuật tạo hình trong nền văn hóa Nhật Bản có tầm quan trọng đặc biệt. Trong mọi thời đại lịch sử văn hóa Nhật Bản thể hiện khuynh hướng phi logic, phi hệ thống và phi trừu tượng hóa, và người Nhật đã thể hiện tư tưởng của mình không nhiều lắm trong các hệ thống triết họctôn giáo trừu tượng như người châu Âu thời Trung Cổ nhưng lại biểu hiện trong các tác phẩm văn học cụ thể. Thi tuyển Vạn diệp tập là tác phẩm thể hiện tư tưởng và thái độ của người Nhật thời đại Nara (710-794) rõ ràng hơn tất cả các tác phẩm của học thuyết Phật giáo cùng thời đại. Thời đại Nara cũng điển hình cho sự sản sinh những kiệt tác văn chương nhưng không xuất hiện bất kỳ một hệ thống triết học nào.

Trong lịch sử văn học Nhật Bản vẫn cho thấy đôi khi quy luật trên có ngoại lệ nhỏ, đó là sự trỗi dậy của hệ thống tư tưởng Phật giáo thời đại Kamakura (1185-1333) và Khổng giáo thời Tokugawa. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp Phật giáo của thời kỳ Kamakura, triết lý tôn giáo của những thiền sư HonenDōgen cũng không được hệ thống hóa một cách đầy đủ bởi những người kế tục họ, và việc tiếp thu các nhà Khổng giáo thời Edo như Ito JinsaiOgyu Sorai có thể có ảnh hưởng đến thời kỳ sau nhưng vẫn không dẫn tới tư duy trừu tượng hơn và tính chất suy đoán rộng lớn hơn. Thực tế cho thấy văn học và nghệ thuật luôn là những lĩnh vực trung tâm của nền văn hóa Nhật Bản, lịch sử văn học Nhật Bản chính là lịch sử tư tưởng và tình cảm Nhật Bản. So sánh với Trung Quốc lại cho thấy một khác biệt, có thể nói một cách ẩn dụ rằng nếu văn học Nhật Bản chuyên trở vai trò của triết học thì văn học Trung Quốc lại được xem như triết học.

Trong mối quan hệ giữa văn chương Nhật Bản và các bộ môn nghệ thuật khác, các nhà nghiên cứu nhận thấy sự gắn kết tương hỗ của chúng rất rõ rệt, khi những bài ca và chuyện kể của các pháp sư mù gẩy đàn tì bà (biwa) là nội dung của những cuốn truyện như Ise monogatari, những bức tranh cuộn emakimono hỗ trợ đắc lực cho việc truyền tải tư tưởng của Genji monogatari thời Heian hay những bản nhạc được sáng tác cho kịch thời đại Muromachi (1392-1568) và kịch joruri thời Edo.

Mô hình phát triển của lịch sử

Văn học Nhật Bản có chiều dài lịch sử đứng thứ nhì thế giới sau văn học Trung Quốc[5], và những cội nguồn xa xưa nhất của nó có thể tìm thấy từ những tác phẩm được viết vào giai đoạn sớm hơn thế kỷ thứ 8. Nhiều nền văn học khác trên thế giới có nguồn gốc xa hơn, nhưng ít nền văn học có truyền thống lâu đời, không thể phá vỡ về cách viết bằng cùng một ngôn ngữ kéo dài cho tới ngày nay. Chẳng hạn, không có nền văn học bằng ngôn ngữ Sanskrit được viết đến thời hiện đại, và các nền văn học nở rộ tại châu Âu như văn học Anh, văn học Pháp, văn học Đức, văn học Italia không thể vạch ra nguồn gốc của chúng xa hơn thời Phục Hưng.

Lịch sử văn học Nhật Bản không chỉ là lâu dài mà còn bao gồm một số đặc điểm riêng biệt trong mô hình phát triển của nó: trong lịch sử văn học Nhật Bản chưa bao giờ có trường hợp một hình thức, phong cách hay một quan niệm thẩm mỹ có ảnh hưởng trong một thời kỳ lại không được kế tục bởi một hình thích mới hơn ở thời kỳ tiếp theo. Cái mới không thay thế mà bổ sung cho cái cũ thay vì loại bỏ cái cũ, rất khác với nền văn học Trung Quốc khi mà tính kế tục truyền thống và tính thống nhất về văn hóa sẽ bị đe dọa nếu một hình thức mới xuất hiện, và cuộc xung đột dữ dội buộc một trong hai cái (thường là cái mới) phải bị loại bỏ khỏi mô hình phát triển của lịch sử. Điều này chưa từng xảy ra ở Nhật Bản, ví dụ, thể thơ trữ tình waka của Nhật Bản tồn tại từ thế kỷ thứ 8 nhưng đến thế kỷ 17 một hình thức mới, thơ haiku, xuất hiện, và hiện nay thơ tự do được thừa nhận rộng rãi. Tuy nhiên cả ba loại thơ trên đều vẫn song hành tới thời hiện đại và chưa thể loại nào mất đi vai trò của chúng trong nền văn học Nhật Bản.

Bởi vì mô hình phát triển lịch sử cơ bản theo nghĩa cái cũ không mất đi, nên có tính thống nhất và tính kế tục đáng kể trong lịch sử văn học Nhật Bản, đồng thời bởi cái mới luôn được bổ sung từ cái cũ, nên với mỗi thời đại mới các hình thức văn học và các giá trị thẩm mỹ trở thành khác biệt và đa dạng hơn.

Ngôn ngữ và hệ thống chữ viết

Một trang viết bằng chữ kana trong thi tuyển Kokin Wakashū, đầu thế kỷ thứ 10

Trong khoảng thế kỷ thứ 5, vì người Nhật chưa có hệ thống chữ viết của chính mình khi lần đầu tiếp xúc với văn hóa của lục địa châu Á, nên hệ thống chữ viết Trung Quốc đưa vào lập tức được thừa nhận. Tuy nhiên, do tính chất đơn âm, tiếng Trung thích nghi ở Nhật Bản chỉ bằng hai phương pháp mô phỏng: hoặc giữ lại nghĩa của chữ và bỏ âm thanh, hoặc giữ lại âm thanh và bỏ nghĩa chữ, và trong thực tế cả hai dạng thức này đều được áp dụng. Âm thanh của tiếng Trung Quốc được giữ lại nhiều trong ba tuyệt tác văn chương cổ điển: Cổ sự kýVạn diệp tập là cách phát âm của miền Nam Trung Quốc thế kỷ 5 và 6, và một số từ trong Nhật Bản thư kỷ là cách phát âm của miền Bắc Trung Quốc thế kỷ 7. Việc dùng chữ Trung Quốc của người Nhật để viết ngôn ngữ của chính mình cũng sáng tạo ra một phương pháp đọc thơ và văn xuôi gốc Trung Quốc theo kiểu cách của Nhật.

Khoảng cuối thế kỷ 8 hệ tiếng Nhật Bản xứ kana được sáng tạo và thừa nhận khiến thời đại tiền Heian đánh dấu bước ngoặt trong chữ viết của ngôn ngữ Nhật Bản. Văn học từ thế kỷ 7 đến thế kỷ thứ 9 của Nhật được viết song song bằng hai ngôn ngữ: Nhật Bản và Trung Quốc (hay chí ít là cách chuyển đổi tiếng Trung Quốc thành tiếng Nhật). Thế kỷ thứ 10 và 11 đánh dấu sự nở rộ của dòng văn chương trữ tình ngọt ngào nữ tính của các nữ sĩ cung đình, những người sử dụng thành thạo hệ văn tự kana nhưng không mấy mặn mà với những sáng tác theo dạng kanbun (Hán văn) rất thịnh hành đối với nam giới trí thức. Tất nhiên, văn học bản xứ được sáng tác bằng tiếng Trung (Kanbun, Hán văn) đã ảnh hưởng đến hệ thống từ vựng của văn học Nhật Bản bản xứ, đổi lại, cũng có sự ảnh hưởng của Nhật Bản được in dấu tương tự đối với loại tác phẩm được viết bằng tiếng Trung. Ví dụ tiêu biểu cho hai hiện tượng này có thể kể đến hai tác phẩm Konjaku monogatariMeigetsu-ki, nó cho thấy sự ra đời sau đó của hai phong cách văn học, một với ảnh hưởng của cách phát âm Trung Hoa, và phong cách kia với hầu như không có ảnh hưởng gần gũi lắm với ngôn ngữ thông tục vốn gắn với cuộc sống hàng ngày của người Nhật khi người này nói với người kia, đã làm giàu đáng kể cho văn học Nhật Bản.

Trong thơ lại cho thấy một bức tranh đặc biệt, người Nhật thể hiện tình cảm của mình trong thơ ca một cách bình thường với thể loại waka (和歌, Hòa ca) viết bằng ngôn ngữ bản xứ, một hình thức thơ phong phú hơn và tinh tế hơn thơ Đường[6]. Tuy nhiên, qua thời gian việc dùng ngôn ngữ Trung Hoa ngày càng nhiều trong thơ và thế giới tình cảm của những thời đại hậu Heian, như Muromachi chẳng hạn, được thể hiện tiêu biểu không chỉ bởi thơ Renga (liên ca) bằng ngôn ngữ bản xứ mà còn bởi thơ Trung Quốc của các thiền sư Gozan.

Trong thời kỳ Minh Trị và cả sau đó, sự hữu ích của từ vựng Trung Quốc được sử dụng lâu dài trong ngôn ngữ Nhật Bản, ngay cả khi người Nhật chịu sức ép phải đưa các khái niệm phương Tây vào ngôn ngữ của họ. Bằng cách sử dụng Hán tự, người Nhật đã thành công trong việc chuyển nghĩa các thuật ngữ, khái niệm có gốc Âu châu, tạo nên sự khác biệt rõ ràng với hoàn cảnh của hầu hết các nền văn hóa không mang tính chất phương Tây khác vẫn còn sử dụng nguyên bản không dịch. Việc lưu tâm đến bản địa hóa các khái niệm ngoại lai từ rất sớm, đã đóng góp phần quan trọng cho tiến trình hiện đại hóa toàn diện nước Nhật, trong đó có văn học, sau cuộc Duy tân Minh Trị.

Cơ sở xã hội

Khuynh hướng hướng tâm

Đặc điểm nổi bật của văn học Nhật Bản chính là khuynh hướng hướng tâm của nó. Hầu như tất cả các tác giả và phần đông độc giả sống ở các thành phố và cuộc sống đô thị cung cấp phần lớn chất liệu cho các tác phẩm văn học. Ở khắp mọi nơi trên đất nước Nhật Bản có thể gặp những bài ca ballad truyền miệng và những câu chuyện dân gian, nhưng chỉ ở thành phố thì các tác phẩm mới được sưu tầm, biên soạn và văn bản hóa lần đầu tiên. Ở Nhật Bản trong bất kỳ thời đại nào, mỗi thành phố đều có xu hướng trở thành trung tâm văn hóa của đất nước và khuynh hướng văn học tập trung vào một xã hội đô thị lớn là nổi bật nhất ở Kyoto từ thế kỷ thứ 9, Osaka vào thế kỷ thứ 17 và Tokyo sau Duy tân Minh Trị 1868, và kể từ thời đại của thi hào Hitomaro đến thời đại Sito Mokichi, không còn một nhà thơ nào còn dùng tiếng địa phương trong tác phẩm của mình. Điều này khá khác biệt với khuynh hướng ly tâm trong văn học Trung Quốc, khi mà các nhà thơ đời Đường không phải bao giờ cũng lấy tư liệu từ kinh đô Trường An mà thường đi qua các tỉnh viết về đặc điểm mỗi vùng. Ở phương Tây khuynh hướng ly tâm trong văn học còn thể hiện rõ ràng hơn ở Trung Quốc: thời Trung cổ của châu Âu là thời đại của người hát rong và của các nhà thông thái đi từ trường đại học này đến đại học khác và viết ra những bài thơ bằng tiếng Latin. Ngay cả trong thời hiện đại ở châu Âu cũng hầu như không có một trường hợp cá biệt nào về hoạt động văn học của Đức hay Ý được tập trung tại các thành phố riêng lẻ, ngoại trừ Paris của Pháp.

Tầng lớp văn học

Sự quy tụ giới học giả uyên bác tại những đô thị tạo thành những trung tâm văn học của Nhật Bản và hệ quả của nó là sự hình thành tầng lớp văn học khá giống với hoàn cảnh phương Tây nhưng lại khác biệt với Trung Quốc, thay đổi từ thời đại này sang thời đại khác khi trung tâm chính trị dịch chuyển. Tầng lớp sáng tác văn học Nhật Bản, có thể coi là giới trí thức tinh hoa về văn hóa, thay đổi đã cung cấp nhiều cách viết mới cho văn học, những giá trị thẩm mỹ và tư liệu cho nó.

Không hoàn toàn hình thành từ thời Nara khi ngọn hải đăng của thi ca Nhật Bản, Vạn diệp tập, là sự quy tụ của mọi tầng lớp từ vua chúa, công nương, tướng lĩnh cho đến người binh sĩ, đốn củi, kẻ ăn mày, nhưng Cổ kim tập (Kokinshu) được biên soạn khoảng 100 năm sau Vạn diệp tập, và 20 thi tập khác ứng với mỗi giai đoạn trị vì của một Thiên hoàng sau đó, đã quy tụ các tác giả hầu như là giai cấp quý tộc từ thế kỷ 9 bao gồm cả tầng lớp quý tộc cấp thấp, nữ sĩ cung đình và các nhà sư, tạo nên một tầng lớp văn học độc quyền.

Khi trung tâm chính trị của Nhật Bản dịch chuyển từ Kyoto sang Kamakura thì giai cấp quý tộc như những nhà thống trị văn đàn Nhật Bản dần bị lấn át bằng tầng lớp quân sự, hình thành các tác phẩm văn chương theo thể loại quân ký (gunki) và thuyết thoại (setsuwa). Tuy vậy, các quý tộc cung đình vẫn chưa kết thúc vai trò lịch sử của họ, dù sự ly gián khỏi xã hội quân sự đã hình thành những trí thức từ bỏ thế giới để sống trong các lều cỏ và đền miếu và một hệ thống văn chương ẩn dật đầu tiên trong lịch sử văn học Nhật Bản.

Ở thời đại Tokugawa tầng lớp quân sự đã bắt đầu học, viết và sáng tạo văn chương như những tác giả của thơ và văn xuôi theo Khổng giáo. Nhưng đồng thời xã hội xuất hiện tầng lớp độc giả mới là dân thành thị (chonin, thị dân). Đầu thời đại Tokugawa tác gia văn học là bộ phận chính của tầng lớp samurai nhưng mạt kỳ Tokugawa không chỉ samurai mà có cả các chonin và thậm chí cả nông dân.

Sau cuộc Duy Tân Minh Trị 1868 tầng lớp văn học Nhật Bản chủ yếu là giới trung lưu đô thị và các nhà văn thường bao gồm các nhóm: tầng lớp samurai, chonin, và những người xuất thân từ địa chủ nhỏ và trung lưu địa phương nhưng thành đạt sự nghiệp của họ tại Tokyo.

Tổ chức văn học

Các nhà văn Nhật Bản điển hình cho sự liên kết chặt chẽ trong tổ chức của họ và thể hiện thái độ đóng cửa đối với các tổ chức khác. Tuy nhiên, vấn đề này thể hiện hai hệ quả rõ rệt: 1. sự liên kết hoàn toàn của văn học trong nền văn hóa của giai cấp thống trị (ví dụ văn học thời đại Heian chiếm vị trí trong giới quý tộc cung đình, trong khi đó văn học thời Tokugawa được hưởng sự giúp đỡ trực tiếp từ xã hội quân sự tập trung và xã hội thị dân), và 2. không có sự hội tụ của các nhà văn Nhật Bản trong các tầng lớp thống trị, văn học không thu hút các tầng lớp thống trị hay nói cách khác nó chưa hề chứng tỏ tầm quan trọng đặc biệt của nó đối với chế độ, thậm chí thể hiện thái độ ẩn dật rõ rệt đối với mọi thể chế chính trị. Sự xa lánh của văn học và sự hình thành các tổ chức bundan (văn đàn) khép kín sau cuộc cải cách Minh Trị thường được xem là hiện tượng đặc biệt: cuộc chiến tranh Thái Bình Dương không ảnh hưởng đến văn học và hầu như không hề có tác phẩm nào phản ánh điều đó ngoại trừ một vài bút ký của các phi công, thủy thủ.

Khuynh hướng các nhà văn thống nhất thành những nhóm đã ít nhiều khiến nguồn tư liệu trong văn học Nhật Bản bị hạn chế. Các nhà văn chuyên nghiệp trở nên rất thống nhất trong nhóm của họ đến nỗi họ dường như không biết gì về thế giới bên ngoài. Những ví dụ về thi ca cho thấy có sự giống nhau đến ngạc nhiên về các chủ đề trong các bài thơ của các hợp tuyển lớn từ tập Cổ kim tập đến Tân cổ kim tập (Shinkokinshu) với những điển tích về hoa anh đào, lá momizi, nhiều bài thơ về trăng nhưng hầu như không có bài thơ về sao. Khuynh hướng đóng chặt này cũng ảnh hưởng lớn với những tiểu thuyết theo thể loại monogatari hậu Truyện kể Genji khi những monogatari này thường liên kết riêng với đời sống quý tộc và không quan tâm đến những bộ phận khác của xã hội. Về cơ bản tình trạng này không thay đổi từ thời đại Kamakura đến thời Muromachi, khi mà thơ renga và kịch kế thừa văn hóa cung đình, gunki (quân ký) bắt nguồn từ Heike monogatari, và có lẽ chỉ có thể loại kịch Kyogen thể hiện ít nhiều ngoại lệ: các nhân vật là người phục vụ thuộc tầng lớp samurai, thợ thủ công và vợ của họ, những người mù, kẻ cắp, kẻ lừa đảo v.v. Những ví dụ về thơ viết theo lối chữ Hán (kanshi, Hán thi) trong suốt lịch sử văn học Nhật thời Trung cổ và tiểu thuyết tự thuật (watakushi shosetsu) đầu thế kỷ 20 cũng phản ánh rõ rệt sự hạn chế về mặt đề tài do tác giả của chúng vốn thuộc một bundan.

Thế giới quan

Thế giới quan của người Nhật chuyển biến bởi sự thâm nhập của các hệ thống tư tưởng nước ngoài khác nhau không nhiều bằng sự bám chặt dai dẳng vào thế giới quan bản xứ và vào sự tích hợp bản sắc Nhật Bản đến các hệ thống ngoại nhập. Những ví dụ tiêu biểu về các hệ thống tư tưởng nước ngoài đã ảnh hưởng đến người Nhật có thể tìm thấy trong Phật giáo, Khổng giáo, Cơ đốc giáochủ nghĩa Mác. Trong khi đó, thế giới quan bản địa nổi lên ở Nhật Bản vào khoảng thế kỷ thứ 4 và thế kỷ thứ 5 tạo thành từ một hệ thống tín ngưỡng đa thần phức tạp, bao gồm các yếu tố thờ cúng tổ tiên, đạo Shaman và thuyết vật linh, và có nhiều khu biệt tùy theo địa phương. Lịch sử Nhật Bản cho thấy sự đối đầu giữa hai khuynh hướng này, trong một số trường hợp thế giới quan của nước ngoài được chấp nhận, một số trường hợp khác nó bị phản bác, nhưng phần lớn hệ thống tư tưởng ngoại lai được thích nghi với những nhu cầu của người Nhật. Thế kỷ 7 đến thế kỷ 16 Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong nền tảng văn hóa Nhật Bản, Khổng giáo ảnh hưởng mạnh mẽ giai đoạn từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 15. Cơ đốc giáo chỉ có ảnh hưởng từ cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 17 và từ cuối thế kỷ 19 trở đi. Cuối cùng, chủ nghĩa Mác bắt đầu ảnh hưởng đến Nhật Bản từ giai đoạn mạt kỳ Minh Trị đến giữa thế kỷ 20 mà khởi điểm với Kōtoku Shūsui (1871-1911) và người kế tục xuất sắc của ông là Kawakami Hajime (1897-1946)[7].

Nền tảng thế giới quan của văn học Nhật Bản có thể được chia thành ba loại: một mặt là các hệ thống tư tưởng từ nước ngoài dưới hình thức nguyên gốc của chúng, khác nhau trong thời đại khác nhau, trong khi mặt khác là tư tưởng Nhật Bản bản xứ còn lại không thay đổi qua lịch sử. Ở giữa hai cực đối trọng nói trên là các hệ thống tư tưởng khác nhau của nước ngoài bị ảnh hưởng hoàn toàn của Nhật. Lịch sử văn học Nhật Bản hiện đại cũng có thể giải thích theo những phản ứng lại ba loại thế giới quan đáng lưu ý này: văn học thời Minh Trị có thể quy vào ba nhóm: phái theo truyền thống một cách khách quan, phái Tây học, phái sáng tạo từ cuộc đối đầu văn hóa Đông-Tây. Tới giữa thế kỷ 20 vẫn có nhiều văn sĩ minh chứng cho đối trọng các thế giới quan khác nhau: Kawabata YasunariMiyamoto Yuriko là hai cực, trong khi Kobayashi HideoIshikawa Jun (1899-1987) lại ở giữa hai cực.